BA NGÔI

Nước Ái-nhĩ-lan (Irland) dùng chiếc lá có ba khía làm biểu tượng cho quốc gia, bởi vì ngày xưa thánh Patrick[4] dùng lá đó để cắt nghĩa về Chúa ba ngôi. Đối với một người thường, hay ít nhất không phải là dân Ái-nhĩ-lan, thì điều này quả khó hiểu: Cha, Con và rồi thêm một Thánh Thần nữa – ba vị, nhưng lại vẫn là một bản thể. Và chuyện lại càng rắc rối hơn đối với các thánh. Hoạ sĩ Pinturicchio có một bức hoạ, trên đó ông vẽ một giám mục ngồi bên bờ biển, giơ hai tay lên trời như vẻ thắc mắc, mắt như nhìn vào quãng không. Tên bức hình: „Thánh An-tịnh ngồi bên bờ biển suy tư về mầu nhiệm ba ngôi“. Có phải giáo lýba ngôi chỉ là kết quả của một phỏng đoán về Thiên Chúa?

Tôi muốn dừng lại một lát nơi thánh An-tịnh. Trên huy hiệu của tôi có in hình vỏ sò nói lên câu chuyện bên bờ biển của ngài. Tôi làm thế, để nói lên khuynh hướng muốn theo gương An-tịnh của tôi. 

Thánh An-tịnh đã viết cuốn sách dày về ba ngôi, đó là cả một cuộc vật lộn tri thức, nhưng cuối cùng chính ngài cũng phải nhận rằng mình thất bại. Từ cuộc vật lộn đó, nẩy sinh truyền tụng về chuyện ngài gặp một chú bé bên bờ biển đang lấy tay moi một cái lỗ trên cát, và cầm vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ. Nhìn thấy cảnh đó, ngài chợt nghĩ: Làm sao đổ hết nước biển vào lỗ đó được, làm sao trí tuệ hạn hữu của mình lại có thể hiểu được hết bí mật của Thiên Chúa. Tôi tin rằng câu chuyện trên là một diễn tả rất đúng về sự hữu hạn của ta. Đại dương làm sao đổ vào được trí tuệ vỏ sò của ta, cho dù trí tuệ đó được căng lớn ra. Ta không thể hiểu được tất cả những gì khác của Thiên chúa.

Không phải chỉ người thường, mà cả bậc thông minh xuất chúng, cũng không thể hiểu được bí ẩn này: Thiên Chúa thật ra là một, nhưng Ngài lại ở trong ba người, Ngài hiện hữu trong tương quan tình yêu tay ba này, chuyện quả thật không thể giải nổi. Điểm quan trọng cần nhớ, là Ki-tô giáo vững tin vào hai điều này: Thiên Chúa là đấng duy nhất và là một hợp nhất tối cao. Nhưng rồi sự hợp nhất tối cao này không còn là hợp nhất của những cái bất khả phân, nhưng là sự hợp nhất được hình thành qua đối thoại tình yêu. Thiên Chúa, đấng duy nhất, đồng thời cũng là một tương quan với chính Ngài, và vì vậy Ngài cũng có thể tạo ra tương quan. Một cách nào đó, chúng ta thấy đây là điểm hợp lí, mặc dầu ta không lí giải được.

Như vậy giáo lýba ngôi từ đâu mà có?

Qua sự tiếp cận với Đức Ki-tô. Qua sự kiện Ngài gọi Thiên Chúa là Cha và tự xưng mình là Con - Đức Ki-tô không tự xưng mình là „một Con Thiên Chúa“ –, qua việc Ngài tỏ ra mình với Thiên Chúa là một.

Từ hệ quả đó nẩy ra nhiều câu hỏi: Như vậy nghĩa là thế nào? Phải chăng Đức Ki-tô là một Thiên Chúa? Có hai Thiên Chúa? Đức Kitô là một ai hoàn toàn khác? Phải chăng Ngài đã tự nâng mình cao quá lẽ? Những điều Ngài nói có thật là chân lí không? Cứ như thế. Nhưng có một điểm mốc giúp ta hiểu được điều trên là cuộc đối thoại giữa Ngài với Cha Ngài, và từ cuộc đối thoại đó, có thêm yêu sách của Ngài đối với người nghe. Nhờ đó, một đàng ta nhận ra sự bình đẳng, tính hợp nhất và bản tính thiên chúa trong sự duy nhất của Thiên Chúa, đàng khác ta cũng nhận ra được sự khác biệt, sự phân biệt.

Thêm nữa, chính Đức Ki-tô còn nói đến tinh thần của Cha, mà đồng thời cũng là tinh thần của Ngài. Đã có hai vị là Cha và Con rồi, giờ thêm một vị nữa, Thánh Thần, quả lại càng thêm khó hiểu. Đức Ki-tô là một nhân vật ta có thể khả giác được. Thánh Thần có thể nói hiện hữu như là một tác động, chứ như là một người thì quả khó hiểu đối với ta. Vì thế mà đã có những tranh luận dài dài về bản tính người của Ngài. Nhưng nếu Đức Ki-tô nói về Tinh (Thánh) thần như là một trạng sư, một vị an ủi (Parakleten) mà Ngài ban tặng cho ta, thì như vậy rõ ràng Ngài và Tinh thần đó cùng thuộc vào một cấp ngang nhau, và như vậy rõ ràng bản chất tương quan trong Thiên Chúa này được thể hiện qua ba ngôi vị : Cha - Con - Thánh Thần.

Thần học đã luôn tìm cách diễn tả một cách ấn tượng sự phù hợp nội tâm đó, với lí luận rằng, chỉ có ba ngôi vị mới tạo ra được tương quan đầy đủ nhất. Ở đây, các nhà thần học đã cho ta một phương tiện suy tư nền tảng, để giúp trí óc ao tù của ta có thể mường tượng được chút gì về đại dương bao la. Như vậy, điều quan trọng là giáo lýba ngôi không phải do ai nghĩ ra, mà đó là kết quả của kinh nghiệm. Nó hình thành từ việc gặp gỡ lời nói và việc làm của Đức Ki-tô, và đã được diễn tả ra dần dần qua quá trình suy tư và lòng tin vào những lời nói và việc làm đó. Ở đây, ta cũng nên nhớ, là nghi thức rửa tội khởi đầu bằng câu: Tôi rửa … nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. Công thức này khởi đi từ sứ mạng của chính  Đấng Phục Sinh. Cho dù ta chưa nắm được chiều sâu của câu này, nhưng nó ngay từ đầu đã ấn dấu lên cấu trúc của việc cầu nguyện và của đức tin Ki-tô giáo.

Tại sao Bạn không cướp nhà băng, nếu Bạn biết chắc sẽ không bị bắt? Do đâu Bạn tin chắc rằng, rồi đây trên giường bệnh Bạn sẽ không bị người ta chích thuốc cho chết? Có thể trường hợp bệnh lí rắc rối của Bạn sẽ tạo ra quá nhiều tốn kém và khó nhọc cho việc chữa trị và chăm sóc, và vì thế xã hội sẽ không lo xuể. Tại sao người ta không vứt xác chết vào bãi rác và dẹp nghĩa trang đi để xây nhà trẻ? Do đâu Bạn biết chồng Bạn trung thành? Do đâu Bạn biết bào thai vợ đang mang là con của Bạn? Và đây là câu hỏi nghiêm chỉnh: Cái gì minh chứng cho sự hiện hữu hay không hiện hữu của Thiên Chúa? Là vì “nếu không có Thiên Chúa, thì mọi chuyện đều được phép làm” (Dostoiewski, Anh em nhà Karamazov). Hay không phải vậy?

Một cuốn sách viết về Thiên Chúa, muốn được con người thời nay nghiêm chỉnh đón nhận, phải nêu bật lên được những câu hỏi từ cuộc sống cụ thể, những câu hỏi mà bất cứ một anh, một chị, một em bé nào cũng phải đối diện. Bởi vì rõ ràng: Ai thật sự tin Chúa, người đó sống khác hơn kẻ không tin Chúa. Tuy vậy, con người vẫn chẳng bao giờ sống và nghĩ cho đến nơi đến chốn. Những người vô thần nướng thời giờ quý báu cho những suy tư vô lí, và họ sống đôi khi như là có Thiên Chúa thật. Còn kẻ tin vào Thiên Chúa thì sống hoang phí đa phần thời gian đời mình như là chẳng có Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin rằng, mỗi thời khắc cuộc sống qua đi sẽ không bao giờ trở lại, thì cuộc sống của cả hai hạng trên quả là bất hạnh. Người ta tiêu phí thời gian cuộc sống bất khả hồi cho một Thiên Chúa không hề có; hay hoàn toàn ngược lại, người ta đã để mất cơ hội sống mà lẽ ra phải dùng nó để chuẩn bị cho sự sống đời đời bên Chúa. (THIÊN CHÚA, Manfred Lutz, Dẫn Nhập)